Khái niệm bê tông đã quá quen thuộc với các công trình xây dựng hiện đại. Vậy còn bê tông nhựa là gì? Bê tông nhựa được ứng dụng vào công trình gì? Thì rất nhiều người còn chưa biết. Vậy mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ nhé!
1. Thế nào là bê tông nhựa?
Bê tông nhựa là một hỗn hợp gồm nhiều thành phần như: đá, cát, bột khoáng và nhựa đường, được sử dụng chủ yếu làm kết cấu mặt đường mềm.
2. Phân loại bê tông nhựa
Bê tông nhựa được phân thành 3 loại chính:
2.1 Phân loại theo nhiệt độ
- Bê tông nhựa nóng: Hỗn hợp được nung và trộn ở nhiệt độ từ 140oC – 160oC. Khi thi công nhựa phải nóng từ 90-100oC.
- Bê tông nhựa nguội: Được trộn ở nhiệt độ thông thường, điều kiện sử dụng là phải cho xe chạy lưu thông từ 4 – 6 tháng mới thì mặt đường bê tông nhựa mới hình thành.
2.2 Phân loại theo cốt liệu
- Bê tông nhựa hạt thô: Cỡ hạt lớn nhất 40mm
- Bê tông nhựa hạt trung: Cỡ hạt lớn nhất 25mm
- Bê tông nhựa hạt mịn: Cỡ hạt lớn nhất 15mm
- Bê tông nhựa hạt cát: Tuỳ từng tỉ lệ đá dăm có tronng bê tông nhựa hạt cát mà được chia thành 5 loại: Cỡ hạt 5mm : Loại A 50-60%, loại B 35-50%, loại C 20-35% và cỡ hạt 1.25-5mm : Loại D <33%, Loại E <14%
2.3 Phân loại theo kết cấu sử dụng
- Bê tông nhựa lớp loại I, bê tông nhựa loại II.
3. Đặc điểm chung của bê tông nhựa là gì?
Các thành phần trong hỗn hợp bê tông nhựa phối hợp, tương tác với nhau tạo thành hệ thống cấu trúc vật liệu bê tông nhựa. Gồm 3 cấu trúc:
- Cấu trúc tế vi: là sự kết hợp của bột khoáng chất và nhựa tạo thành liên kết asphalt.
- Cấu trúc trung gian: là sự kết hợp chất liên kết asphalt với cát tạo thành vữa asphalt.
- Cấu trúc vĩ mô: là sự kết hợp giữa vữa asphalt với các hạt đá dăm tạo nên bê tông nhựa.
>>> Xem thêm: Bê tông nhẹ là gì?
Như vậy, cấu trúc bê tông nhựa hình thành dựa trên cơ sở sự phối hợp các thành phần khác nhau. Khi thiếu hụt hoặc tỷ lệ giữa các thành phần trong bê tông nhựa không hợp lý thì cấu trúc bê tông nhựa sẽ bị phá vỡ. Và sẽ ảnh hưởng đến các cấu trúc tiếp theo, làm cho hệ thống cấu trúc bê tông nhựa không đảm bảo điều kiện chịu lực.
4. Về chức năng vật liệu trong cấu trúc bê tông nhựa:
- Cốt liệu lớn: cấp phối đá dăm – là bộ khung chịu lực chính (và tạo độ nhám).
- Cốt liệu nhỏ: cát sông – làm tăng độ đặc cho bê tông nhựa. Đá xay – ngoài chức năng làm tăng độ đặc, nó còn làm tăng tỷ diện của vật liệu, do đó làm tăng tính liên kết với nhựa.
- Bột khoáng làm tăng độ chặt của bê tông nhựa, làm tăng tỷ diện vật liệu khoáng rất nhiều nên làm tăng lớp vỏ cấu trúc và nâng cao nhiệt độ hóa mềm, giúp bê tông nhựa ổn định nhiệt
- Nhựa trong bê tông nhựa có tác dụng bao bọc xung quanh các hạt khoáng, có 1 phần thẩm thấu vào trong các mao quản trên bề mặt hạt khoáng, 1 phần tương tác với bề mặt cốt liệu tạo thành màng xà phòng Can-xi không hòa tan, làm tăng đáng kể chất lượng và tính bền vững của các liên kết ở khu vực tiếp xúc giữa nhựa và cốt liệu khoáng và 1 phần có tác dụng lấp 1 phần lỗ rỗng còn lại của khung cốt liệu chính.
- Phụ gia: cải thiện 1 số tính chất của BTN trong thi công cũng như khai thác, nhằm làm cho BTN ổn định hơn
5. Ứng dụng của bê tông nhựa
Bê tông nhựa nóng thường được sử dụng cho các công trình xây dựng đường giao thông như đường nội bộ trong các khu công nghiệp, nhà máy. Đường giao thông cấp 1, cấp 2, đường cao tốc. Đường giao thông nông thôn, bãi đỗ xe, sân tennis… Hiện tại bê tông nhựa nóng được sử dụng đến trên 50% trong thi công đường bộ tại Việt Nam.
Bê tông nhựa nguội dùng để sửa chữa các loại ổ gà đường, vệt lún bánh xe. Hay các vết nứt mặt đường nhựa mà không cần thêm bất cứ vật liệu nào. Do đó, rất dễ sử dụng, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí sửa chữa.
Trên đây là những khái niệm cũng như những kiến thức sơ bộ về bê tông nhựa. Hy vọng rằng sẽ giúp ích được cho các bạn!